Hiểu biết để chọn máy ảnh Phần 2

Nhiếp ảnh, nếu nói theo nghĩa gốc từ lúc nó mới được phát minh, “héliographie”, là “viết bằng ánh sáng”
(écriture avec le soleil) điều này giúp ta hiểu được tầm quan trọng của ánh sáng trong nhiếp ảnh. Bỏ qua
những định nghĩa hàn lâm ta có thể hiểu rằng hình ảnh thu được trên sensor của máy ảnh được tạo nên bởi
một lượng ánh sáng nhất định đi qua ống kính máy ảnh, trong một thời gian nhất định.

Yếu tố thứ nhất “lượng ánh sáng” được khống chế bởi các lam kim loại – diaphrams, nằm trong ống kính mà trị
số quen thuộc của nó thường được thấy là “f” hoặc “F” – khẩu độ ống kính. Thực chất các lam kim loại này có
nhiệm vụ tạo một lỗ mở trên thấu kính với một đường đính xác định. Trong các sách về nhiếp ảnh ta hay thấy viết
“f:8” hoặc “f/8”. Ký hiệu của chức năng chỉnh khẩu độ ống kính trên máy ảnh thường hay được thấy viết “Av” hoặc “A”.

Yếu tố thứ hai “thời gian” thường được biểu thị bằng “1 /giây”, ví dụ 1/250 giây. Đây là thời gian để thao tác một
kiểu ảnh tương ứng với một khẩu độ ống kính “F”. Bộ phận điều khiển tốc độ chụp ảnh gọi là “ổ trập” của máy ảnh – shutter.
Cặp giá trị F và tốc độ luôn đi liền với nhau và gắn bó mật thiết trong từng thay đổi nhỏ. Ký hiệu của chức năng chỉnh
tốc độ chụp trên máy ảnh thường hay được thấy viết “Tv” hoặc “S”…

 

Trong các máy ảnh dCam và BCam không có hệ thống cơ khí riêng biệt để điều chỉnh tốc độ chụp ảnh. Chính sensor
của máy ảnh đảm nhiệm chức năng này theo nguyên tắc nhị phân “đóng/mở”.

Một yếu tố nữa có ảnh hưởng tới việc thao tác chụp ảnh đó là độ nhạy “ISO”. Đây là một chuẩn quốc tế rất
thông dụng mà khi ra cửa hàng mua phim bạn thường được hỏi là chọn loại phim nào? ISO 100? ISO 200?…
Khi bạn tăng độ nhạy ISO nghĩa là bạn muốn tăng tốc độ chụp ảnh với cùng một khẩu độ ống kính “F” cố định.
Hoặc ngược lại, bạn muốn khép sâu hơn khẩu độ ống kính với một tốc độ chụp ảnh cố định. Độ nhạy càng thấp
thì ảnh càng mịn và độ nhạy càng cao ảnh càng nhiều hạt. Trong lĩnh vực kỹ thuật số điều này được hiểu là ISO
càng cao ảnh càng có nhiều “nhiễu” – noise. Với các máy ảnh dCam & BCam bạn thường gặp độ nhạy từ ISO
50, 100, 200, 400, 800…nhưng do kích thước hạn chế của sensor nên ảnh sẽ bị nhiễu rất mạnh với các ISO lớn
hơn 200. Vì thế khuyến cáo đầu tiên của tôi với các bạn đang dùng dCam & BCam là: nên hạn chế ISO ở
200. Nếu tốc độ chụp ảnh tương ứng với ISO 200, trong điều kiện ánh sáng cụ thể, với một giá trị F
xác định, lâu hơn 1/30 giây thì bạn nên dùng thêm chân máy ảnh để tránh cho ảnh bị rung.

 

Kỹ thuật số đồng thời cũng mang lại cho ta nhiều thói quen mới lạ mà trước đây thường chỉ dành riêng
cho giới chuyên nghiệp. Trong “Menu” của máy bạn sẽ thấy có một thông số kỹ thuật viết tắt là “WB” – White Balance,
nó làm nhiệm vụ thiết định chế độ mầu cho ảnh chụp. Điều này không xa lạ với những ai đã từng dùng phim
“Daylight” và phim “Tungsten”. Như các bạn đã biết, ứng với mỗi một điều kiện ánh sáng khác nhau thì mầu sắc
của vật thể cũng khác nhau. Chính vì thế mà ta cần dùng “WB” – cân bằng trắng, để đưa mầu của ảnh về gần
nhất với mầu thực tế. Giới chuyên môn dùng thuật ngữ “nhiệt độ mầu” tính theo độ Kenvin nhưng chúng ta
tạm thời có thể quên nó đi mà vẫn có thể chụp ảnh đẹp. Các máy ảnh dCam & BCam gần đây có chức năng
“Auto WB” khá hoàn chỉnh nhưng tôi khuyên bạn nên chủ động lựa chọn chế độ WB theo điều kiện
ánh sáng cụ thể. Một vài ghi nhớ: WB ánh sáng mặt trời cho mầu trung tính, WB trời nhiều mây cho ảnh có
tông ấm, WB trong bóng râm tăng sắc độ mầu lên rất mạnh, WB đèn vàng sẽ khử rất nhiều mầu vàng trong ảnh…

Ghi nhớ: cặp thông số khẩu độ ống kính “F” và tốc độ chụp ảnh 1/giây gắn liền với độ nhạy ISO