Khẩu độ, hiểu nôm na là bộ phận đóng vai trò như mống mắt bên trong máy ảnh, có tác dụng làm nổi bật chủ thể khiến bức ảnh mang chiều sâu sống động và có sức thu hút cao hơn. Khẩu độ là một trong ba khái niệm quan trọng nhất của nhiếp ảnh mà bất cứ người chụp ảnh nào cũng cần ghi nhớ và vận dụng thành thạo, thậm chí là sáng tạo. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng lý giải khẩu độ là gì và vai trò của khẩu độ.
Khẩu độ là gì và vai trò của khẩu độ?
Khẩu độ được tạo ra bởi một lỗ nhỏ trên thấu kính, nơi mà qua đó ánh sáng đi vào bên trong máy ảnh.
Để hiểu được khái niệm này một cách đơn giản và chi tiết hơn, bạn hãy coi máy ảnh là đôi mắt của con người và khẩu độ chính là mống mắt (hay còn gọi là tròng đen). Thực tế, tất cả các máy ảnh đều được thiết kế mô phỏng con mắt của chính chúng ta.
Bề mặt bên ngoài của thấu kính (lens) là sự mô phỏng của giác mạc. Nhiệm vụ của giác mạc là tiếp nhận ánh sáng bên ngoài, bẻ cong và chuyển hướng ánh sáng tới mống mắt (tương tự với cơ hoành trong máy ảnh). Tại đây, tùy vào lượng ánh sáng tiếp nhận được mà mống mắt sẽ mở rộng hoặc co lại, điều chỉnh kích thước của con ngươi để cho phép một lượng ánh sáng vừa đủ tiếp tục đi tới võng mạc. Khẩu độ cũng hoạt động theo cách tương tự.
Vai trò của khẩu độ là quyết định lượng ánh sáng có thể đi đến cái đích cuối cùng là bộ phận cảm biến và trở thành hình ảnh. Nói cách khác, khẩu độ là độ mở rộng của ống kính khi tiếp nhận ánh sáng.
Cùng với ISO và tốc độ màn trập, khẩu độ chính là ba yếu tố quan trọng nhất mà bạn cần nắm được khi muốn bắt đầu niềm đam mê với nhiếp ảnh.
Đường kính của khẩu độ
Đường kính (hay còn gọi là kích thước) của khẩu độ được điều chỉnh bởi “cơ hoành” trên thấu kính. Mục đích chính của cơ hoành là chặn lại các tia sáng thừa, chỉ cho phép lượng ánh sáng được lựa chọn tiếp cận bộ phận cảm biến.
Khẩu độ được thể hiện dưới dạng chữ cái f đi kèm với một chữ số thể hiện kích thước của khẩu độ tại thời điểm cụ thể. Chỉ số này còn được gọi là “f-stop”. Nếu f-stop lớn tức là khẩu độ nhỏ và ngược lại, f-stop nhỏ thì khẩu độ lớn.
Khẩu độ tác động thế nào tới chiều sâu của bức ảnh?
Một bức ảnh có chiều sâu khi chủ thể chính nổi bật rõ nét trên phông nền, tạo cảm giác về chiều không gian thứ 3 cho người nhìn. Điều này chỉ có được khi bạn chọn khẩu độ phù hợp.
Khẩu độ nhỏ ở mức f/32 sẽ khiến mọi chi tiết trong bức ảnh trở nên sắc nét, trong khi đó, khẩu độ lớn f/1.4 sẽ khiến chủ thể chính nổi bật hoàn toàn bằng cách làm mờ mọi chi tiết ở phía sau. Bạn chọn khẩu độ càng lớn thì phạm vi được lấy nét trên bức ảnh sẽ càng nhỏ, tạo cho bức ảnh độ sâu càng lớn.
Chọn lens theo khẩu độ như thế nào?
Mỗi loại lens có giới hạn khẩu độ riêng, được thông báo bởi nhà sản xuất trên phần thông tin đính kèm sản phẩm. Giới hạn khẩu độ sẽ quyết định tốc độ của lens.
Đa phần các loại lens hiện đại ngày nay đều có khẩu độ tối thiểu là f/16. Mặt khác, bạn nên chú ý nhiều hơn tới khẩu độ tối đa. Lý do bởi một lens có khẩu độ tối đa là f/1.4 hay f/1.2 được xem là lens chụp nhanh, có khả năng chụp nhanh hơn nhiều lần so với lens có khẩu độ tối đa là f/4. Đây là một lợi thế quan trọng bởi khẩu độ lớn cho phép nhiều ánh sáng hơn tiếp cận với cảm biến, giúp máy ảnh chụp nhanh hơn và nét hơn. Loại lens chụp nhanh sẽ là cần thiết khi bạn chụp ảnh dưới tình trạng ánh sáng yếu.
Tóm lại, trên đây là khái niệm khẩu độ, vai trò của khẩu độ cùng các khái niệm liên quan. Hy vọng bạn đã nhận được những thông tin hữu ích!