Tìm hiểu về ISO và cách sử dụng ISO để chụp những bức ảnh tuyệt mỹ

Sẽ là một thách thức khi ai đó dúi vào tay bạn một chiếc máy ảnh và yêu cầu bạn chụp những bức ảnh đẹp trong khi bạn chẳng biết ISO là gì. Thực tế, ISO được xem là một trong 3 khái niệm cực kỳ quan trọng mà bất kỳ người chụp ảnh nào cũng cần phải nắm rõ và sử dụng thành thạo (2 khái niệm còn lại là khẩu độ và tốc độ màn trập). Vậy hãy cùng tìm hiểu ISO là gìcách sử dụng ISO để tạo nên những bức ảnh sống động nhất!

ISO là gì?

Diễn giải một cách đơn giản thì ISO là chỉ số biểu hiện mức độ nhạy cảm của máy ảnh với ánh sáng được cung cấp. Chỉ số ISO càng thấp tức máy ảnh càng ít nhạy sáng và ngược lại. Bạn có thể tự do điều chỉnh chỉ số này khi sử dụng máy ảnh.

Tác dụng của ISO

Bộ phận bị tác động bởi chỉ số ISO trong máy ảnh được gọi là bộ cảm biến ảnh, thường gọi tắt là cảm biến. Đây là bộ phận quan trọng và đắt nhất trong các máy ảnh DSLR, có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng và chuyển hóa chúng thành hình ảnh. Nếu chỉ số ISO cao tức độ cảm biến cao, máy ảnh của bạn có thể chụp hình trong điều kiện ánh sáng yếu mà không cần đèn flash. Tuy nhiên, nếu lạm dụng ISO quá cao, bạn sẽ phải trả giá là những bức ảnh đầy hạt nhiễu.

Thông thường, chỉ số ISO sẽ bắt đầu từ mức chuẩn là 100 hoặc 200 và tăng tiến theo cấp số nhân, ở đây là nhân 2: 100, 200, 400, 800, 1600, 3200,… Theo đó, mỗi lần bạn tăng chỉ số ISO lên 1 bậc mới tức là bạn đã khiến máy ảnh nhạy cảm với ánh sáng gấp đôi, lên 2 bậc là gấp 4 và lên 3 bậc là gấp 8… Điều gì sẽ xảy ra khi cảm biến nhạy sáng hơn 8 lần so với thông thường? Câu trả lời là máy ảnh của bạn sẽ lấy nét nhanh hơn bình thường 8 lần. Cụ thể tốc độ lấy nét tương ứng với chỉ số ISO như sau:

  • ISO 100: 1 giây
  • ISO 200: 1/2 giây
  • ISO 400: 1/4 giây
  • ISO 800: 1/8 giây
  • ISO 1600: 1/16 giây
  • ISO 3200: 1/32 giây

Cách sử dụng ISO

Các trường hợp cần dùng ISO thấp

Mỗi loại máy ảnh thường có một mức ISO chuẩn. Đó là mức ISO thấp nhất có thể cho ra đời những bức ảnh có chất lượng hình ảnh cao nhất mà không xuất hiện các hạt nhiễu. Lấy ví dụ như phần lớn các máy ảnh Nikon đời mới đều có ISO chuẩn là 200, trong khi chỉ số này ở máy ảnh kỹ thuật số Canon là 100.

Trong đa số các trường hợp khi có đủ các nguồn cung cấp ánh sáng vừa đủ thì bạn nên giữ nguyên mức ISO chuẩn (nói cách khác là ISO thấp nhất). Chỉ khi không có đủ ánh sáng cần thiết, bạn mới nên nâng chỉ số ISO để máy ảnh có thể lấy nét tốt hơn. Đa phần các máy ảnh DSLR ngày nay đều có chức năng tự động nâng ISO dựa trên mức độ ánh sáng đo lường được.

Bên cạnh đó, mức ISO thấp còn được vận dụng khi bạn cần chụp những bức ảnh thể hiện sự chuyển động theo thời gian. Do thời gian lấy nét dài nên nếu đối tượng di chuyển liên tục, bạn sẽ nhận được thành phẩm là những bóng mờ rất hấp dẫn xen kẽ với chủ thể trong bức ảnh.

Các trường hợp nên dùng ISO cao

Đó là khi bạn cần tăng mức độ nhạy cảm của cảm biến để bắt được những hình ảnh rõ nét hơn trong ánh sáng yếu. Các trường hợp thường gặp là:

  • Chụp ảnh trong nhà với ánh sáng yếu mà không có đèn flash.
  • Chụp ảnh ngoài trời trong ngày âm u, nhiều mây.
  • Chụp ảnh đêm.
  • Khi cần bắt lấy khoảnh khắc trong khi đối tượng đang chuyển động.

Ở nhiều dòng máy ảnh DSLR mới, bạn có thể thấy chức năng “Auto ISO”. Chức năng tuyệt vời này cho phép bạn cài đặt trước một chỉ số ISO tối đa có thể sử dụng trong mọi trường hợp. Tức là khi máy ảnh tự động nâng chỉ số ISO dựa trên lượng ánh sáng ít ỏi đo được thì mức tối đa máy có thể tự động nâng sẽ chính là con số mà bạn đã cài đặt trước. Nhờ đó, bạn sẽ không bao giờ phải lo những bức ảnh sẽ đầy hạt nhiễu khi sử dụng tính năng tự động của máy ảnh. Thông thường, mức Auto ISO được sử dụng thường xuyên nhất là 800. Khi bạn cần nâng chỉ số ISO lên cao hơn, hãy tắt chức năng tự động đi là được.

Trên đây là lý giải khái niệm ISO và những cách sử dụng ISO cơ bản trên các máy ảnh nói chung. Hy vọng bạn đã nhận được những thông tin hữu ích qua bài viết của chúng tôi!